Lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt tại Anh trong bối cảnh kinh tế sau đại dịch

Trong buổi đàm luận tại Gala Chào xuân 2023 tổ chức tại London ngày 29 tháng 1 năm 2023 về “Tình hình kinh tế sau đại dịch Covid ảnh hưởng thế nào đến những người Việt kinh doanh tại Anh”, tiến sĩ Quách Mạnh Hào, giảng viên Đại học Lincoln (Anh) cho biết bức tranh về nền kinh tế trên thế giới, ở Anh, và ở Việt Nam vẫn còn rất ảm đạm đến hết năm 2024 và sẽ phục hồi dần sau đó.

Lạm phát đang là trọng tâm mà các chính phủ tập trung giải quyết sau đại dịch. Trong giai đoạn đại dịch Covid, các chính phủ đã bơm tiền vào nền kinh tế trong khi cỗ máy kinh tế không hoạt động. Lạm phát là kết quả tất yếu, điển hình là ở Mỹ và Anh hai quốc gia mà chính phủ bơm tiền vào nền kinh tế nhiều nhất so với GDP. Chúng ta đều trải nghiệm việc giá nhà giá nhà, giá cổ phiếu tăng cao ở Anh, ở Mỹ cũng như ở Việt Nam trong giai đoạn Covid.

Để khống chế lạm phát, đòn bẩy kinh tế được các chính phủ áp dụng là tăng lãi suất để rút tiền ra khỏi thị trường. Điều này sẽ tác động đến suy giảm sự tăng trưởng của nền kinh tế (hay còn gọi là suy thoái kinh tế), dẫn đến giảm việc làm, giảm thu nhập, giảm thương mại và hàng hoá.

Ở Việt Nam, theo các nhà điều hành mặc dù lạm phát có xu hướng tăng nhưng chưa đến mức quá nguy hiểm, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế ở Việt Nam và động thái của chính phủ cũng khá tương đồng với bức tranh chung kinh tế trên thế giới.

Tiến sĩ Quách Mạnh Hào thuyết trình tại Gala Dinner ‘Chào Xuân Quý Mão 2023’ của VBUK (ảnh: TTXVN và VBUK)

Hiện tại, lạm phát đã có xu hướng giảm ở Mỹ. Ở Anh, lạm phát giảm chậm hơn. Việc thắt chặt tiền tệ sẽ vẫn còn được các chính phủ áp dụng cho đến khi lạm phát được kiểm soát ở mức cho phép (2% ở Mỹ và Anh, 4% ở Việt Nam).

Tin vui theo dự báo của các nhà kinh tế , tăng trưởng kinh tế đang dần trở lại mức trước đại dịch. Đồng bảng Anh sẽ ổn định và mạnh lên. Đồng Việt Nam cũng sẽ ổn định do chính sách ổn định tỷ giá của chính phủ. Tiến sĩ Hào cho rằng: “Chúng ta cần kiên nhẫn chờ cho qua giai đoạn khó khăn này”

Trong buổi đàm luận, người Việt kinh doanh ở UK bày tỏ lo lắng về việc buộc phải tăng phí dịch vụ trong bối cảnh lạm phát, có thể dẫn đến mất khách và mất đi sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt – là những người kinh doanh nhỏ, cung cấp dịch vụ không thiết yếu.

Ông Pau Hoàng Phương, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp và Doanh nhân Việt Nam tại Vương quốc Anh (VBUK) chia sẻ “đã có khá nhiều bài học tương tự trong các giai đoạn trước và ở các nước khác, như dịch vụ Nail của người Việt ở Mỹ chẳng hạn. Trước khủng hoảng kinh tế , dịch vụ nails đã thay đổi tư duy nâng chất lượng dịch vụ kèm với tăng giá. Cộng đồng kinh doanh dịch vụ nhỏ như nail ở Anh cũng nên nhân cơ hội này đẩy mạnh chất lượng dịch vụ hàng hoá để nâng cao tính cạnh tranh của mình.

Hội doanh nghiệp và doanh nhân VBUK mong muốn sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển marketing, áp dụng công nghệ trong hoạt động, xây dựng quy trình và chuẩn mực về quản lí chất lượng , và các hỗ trợ khác qua đó giúp các doanh nghiệp nhỏ của người Việt chuyên nghiệp hơn, có tính cạnh tranh cao hơn.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, tham tán thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Anh cũng chia sẻ câu chuyện về việc người Việt nam nên sử dụng hàng hoá dịch vụ của người Việt nhiều hơn, cũng là cách giúp tăng thu nhập và công ăn việc làm cho các doanh nghiệp Việt.

Điều này rất phù hợp với kế hoạch của VBUK trong việc xây dựng mạng lưới mà các thành viên của VBUK khi sử dụng hàng hoá dịch vụ của các thành viên khác sẽ được giảm giá từ 10% đến 20%. Hiện tại, các thành viên của VBUK cung ứng hầu hết các hàng hoá và dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, xây dựng, kế toán, dạy học, nhà hàng, luật sư, thẩm mỹ…

Nguồn: Bài viết của Hội Doanh nghiệp và Doanh nhân Việt Nam tại Vương quốc Anh được đăng tại https://www.facebook.com/VBUKAssociation/posts/pfbid0wKvMnvGsBHwHs5RQ4k3Cna8aqYNNWg2dV72BENXp16nex74LBHHmAKgrMHKomSdRl

Thông tin mới nhất

spot_img